Mỗi kg mít thái loại 1 giá bán tại vườn là 45.000-48.000 đồng, cao gấp 6-7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Khảo sát giá tại An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Nai cho thấy, mít Thái liên tục tăng mạnh trong tuần qua. Mít loại 1 (trái có trọng lượng trên 10 kg) đang được bán 45.000-48.000 đồng một kg, loại 2 (7-8 kg) là 30.000 đồng một kg, loại 3 quanh 10.000-15.000 đồng. Đây là mức giá tăng cao nhất trong 4 năm qua.
Gia đình ông Hoàng ở An Giang có hơn một ha mít đang cho trái vụ đầu tiên với sản lượng 7 tạ. Đợt đầu, ông bán hàng loại 1 với giá 34.000 đồng một kg, nhưng sang đợt 2 giá lên 45.000 đồng. “Với giá này chúng tôi đang có lãi cao”, ông Hoàng kể.
Tương tự, gia đình ông Tâm ở Tiền Giang vừa cắt bán nửa tấn mít với giá 30.000-48.000 đồng một kg – mức giá mà ông cho là đỉnh của 4 năm qua.
“Năm ngoái giá mít chỉ có 7.000 đồng một kg nhưng chẳng mấy ai mua, nay giá gấp 7 lần và thương lái tranh nhau mua hàng loại 1 để xuất khẩu”, ông nói.
Mít được thương lái thu mua tại Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Hữu
Theo các thương lái ở Đồng Nai, nguyên nhân khiến giá tăng mạnh là nhu cầu xuất khẩu cao. Mỗi ngày thu mua được vài chục tấn nhưng cũng không đủ cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang, An Giang, Đồng Nai, giá mít hiện nay bình quân 32.000-39.000 đồng một kg, giúp nông dân lãi cao. Giá mít liên tục tăng cao là nhờ Trung Quốc đã dỡ phong tỏa Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản xuất khẩu.
Ngoài ra, theo các chủ vườn, giá mít tăng nhanh còn do nguồn cung thấp. Sau 4 năm đại dịch, nhiều nhà vườn đã thu hẹp diện tích, sản lượng cung ứng ra thị trường thấp hơn so với mọi năm 20-30%. Tương tự, nhiều hộ trồng ở Tiền Giang – thủ phủ trồng mít đã chuyển đổi từ cây mít sang sầu riêng.
“3 năm thua lỗ vì giá mít chỉ vài nghìn đồng một kg nên tôi đã giảm diện tích trồng từ 3 ha còn 1 ha để sang các loại khác như sầu riêng, bắp”, ông Tâm nói.
Ngành nông nghiệp các tỉnh đang đã khuyến cáo nông dân không phát triển thêm diện tích, trồng theo quy hoạch để duy trì chất lượng mít. Ngoài ra, Sở cũng đang khuyến khích người dân trồng nông sản sạch, sử dụng phân hữu cơ để sản phẩm có giá trị cao.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cũng khuyến cáo, người dân nên ổn định diện tích trồng cây ăn trái, tránh chuyển đổi ồ ạt, chạy theo trào lưu trồng – chặt khi thấy giá nông sản tăng đột biến.
Trước đó, khi sầu riêng tăng lên 200.000 đồng một kg, nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên cũng đã chuyển đổi từ mít, lúa sang sầu riêng. Điều này khiến cơ quan quản lý lo ngại nguy cơ dư cung có thể diễn ra.
Hồng Châu
(Vnexpress)